Tết cổ truyền của người Việt và những giá trị văn hoá truyền thống

Tết Nguyên đán là ngày tết cổ truyền của người Việt Nam, là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả.

Trải qua bao nhiêu biến động của lịch sử nhưng những phong tục cổ truyền của người Việt vẫn giữ được nét bản sắc dân tộc.PGS.TS Lê Trung Vũ (Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam) đã có những chia sẻ thú vị về Tết cổ truyền và những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tết cổ truyền của dân tộc

Trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam là một quốc gia luôn mang trong mình một nền văn hóa lớn và độc đáo. Văn hóa Việt Nam gắn liền với văn hóa lúa nước vì vậy nó vẫn chất phác, đơn sơ, giản dị, gần gũi nhưng cũng không kém phần tinh tế. Những nét văn hóa ấy được giữ gìn và lưu truyền lại bao đời nay. Một trong những viên ngọc quý của văn hóa Việt Nam là các ngày lễ tết cổ truyền. Tết cổ truyền dân tộc không chỉ là nét văn hóa mà còn là vốn văn hóa quý giá do ông cha ta gây dựng bởi nó chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, có những điều đẹp đẽ, nghĩa tình và thiêng liêng.

Từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán thỏa mãn được nhiều nhu cầu nhất của người Việt, về vật chất, về tâm linh, về nếp sống và với mọi lứa tuổi, so với mọi dịp lễ trong năm. Trước hết, đây là lễ (tết) mở đầu một năm mới. Nguyên có nghĩa là đầu tiên; đán nghĩa là sớm. Tết Nguyên đán được hiểu là buổi sớm ngày đầu năm. Và Tết Nguyên đán người ta cũng gọi là “tết cả” – tết lớn nhất, kết thúc một vòng thời gian 4 mùa chu chuyển, chào đón một chu kỳ mới. Tết Nguyên đán với ý nghĩa sâu xa và mang tính thiêng, trang trọng là tiễn đưa năm cũ, chào đón, chúc tụng năm mới sức khỏe con người tốt hơn, sinh kế khá hơn, hạnh phúc cá nhân – gia đình bền vững hơn và khởi đầu từ ý thức hệ nông nghiệp, sau dần tỏa rộng trong đời sống con người toàn xã hội, song vẫn mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp.

Người Việt cho rằng, Tết Nguyên đán là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết Nguyên đán. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững. Người ta tin rằng, vào dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên cũng sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, ở nhà thờ họ để chứng kiến lòng thành của con cháu, và từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng. Đó là ý nghĩa tâm linh của Tết Nguyên đán.

Giá trị truyền thống còn lưu giữ.

Những giá trị tốt đẹp của Tết nguyên đán vẫn còn được lưu giữ

Cùng với sự phát triển của xã hội, Tết cổ truyền hiện nay cũng đã có nhiều sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn những giá trị tốt đẹp bất biến giữa vạn biến mà chúng ta có thể và cần nhận ra.Tết Nguyên đán là sự chào mừng năm mới. Tết đến, người Việt chuẩn bị mọi điều kiện sống đầy đủ, có đạo đức, có truyền thống tốt. Chẳng hạn: ăn phải ngon, bổ dưỡng, khác hẳn ngày thường. Mặc phải đẹp, bất kể lứa tuổi nào, bất cứ giới nào: nam hay nữ, nông dân, thợ, kẻ sĩ hay chức sắc, lão bà hay lão ông. Ai cũng thấy như phải gần gũi nhau hơn, nói những điều hay với ngôn ngữ chọn lọc. Tết là phải chúc mừng nhau: sức khỏe, tuổi tác (trường thọ), chúc “làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái”… Có phần ngoa ngôn, song vẫn êm tai và thực lòng. Cho nên, Tết đến, người ta vui vẻ, dịu hiền, là cơ hội để hòa giải những bất đồng, “giận đến chết đến Tết cũng thôi”.

Hơn thế nữa, bữa ăn của Việt là một tổ hợp văn hóa, đặc biệt là trong những bữa ăn ngày Tết, sắc thái văn hóa càng rõ nét và sâu đậm. Có những món ăn trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã trở thành những giá trị văn hóa Việt không gì có thể thay thế như: bánh chưng, bánh dày, nem. v.v… Ngày Tết, cùng quây quần bên nhau chuẩn bị mâm cỗ để cúng gia tiên, sau đó cùng vui vầy ăn uống, trò chuyện vui vẻ trong hương thơm của hương trầm, của bánh chưng thật khó có niềm vui nào sánh được.

Và điều không thể không nhắc đến mỗi khi Tết đến, xuân về, mà bất cứ ai cũng đều nhớ câu thành ngữ “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Sau khi Tết bên nội, bên ngoại, mỗi người thường dành riêng đi lễ Tết thầy giáo với tinh thần tôn sư trọng đạo, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là dạy một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy – để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng tri thức. Hay tục xin chữ hay khai bút đầu xuân cũng là một nét đẹp mà người Việt thường duy trì để nhắc nhở người ta luôn trọng chữ, hiếu học. Rồi tục chúc thọ người cao tuổi, mừng tuổi cho trẻ em, tắm bằng lá mùi già vào ngày 30 Tết để cho người thanh sạch.v.v. đó là nét văn hóa nên giữ gìn trong nhịp sống hiện đại

Bài viết của PGS.TS Lê Trung Vũ ( Sưu tầm)

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo